Thôn Cõi nằm ở vị trí trung tâm xã An Sơn, theo sách "Địa danh làng xã Việt Nam thế kỷ XIX", Viện nghiên cứu Hán Nôm, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, tr 32 và nguồn tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại di tích, thôn Cõi thời Lý đến thời Trần có tên là Dục Đại trang. Thời Lê (TK XV), Dục Đại trang được phân thành 3 xã Dục Kỳ, Dục Trị, Quan Sơn thuộc huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương. Thế kỷ XIX, 3 xã Dục Kỳ, Dục Trị, Quan Sơn thuộc tổng An Dật, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại, trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, hai xã Dục Kỳ, Dục Trị có chung một ngôi chùa và một chợ có tên là chùa Cõi, chợ Cõi nên người dân địa phương gọi chung tên hai xã là Cõi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị tổng bị bãi bỏ, các xã chuyển làng thôn. Tháng 9 năm 1945, 4 thôn: Cõi, Quan Sơn, An Giới, Nhuế Sơn (Nuôi) hợp nhất thành xã An Sơn.
Tháng 01 năm 1968, thực hiện Nghị quyết số 504-NQ/TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương hợp nhất với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Tỉnh Hải Hưng lúc này có 20 huyện và 02 thị xã, trung tâm hành chính đặt tại thị xã Hải Dương, thôn Cõi thuộc xã An Sơn, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng. Tháng 7/1990, thôn Hưng Sơn, xã Nam Hưng được sáp nhập vào xã An Sơn. Lúc này xã An Sơn có 5 thôn: Cõi, Quan Sơn, Nhuế Sơn, An Giới và Hưng Sơn. Sau ngày tái lập tỉnh, huyện vào năm 1997, thôn Cõi, xã An Sơn thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tháng 6/ 2019, thực hiện Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND khóa XVI, kì họp thứ 9, 2 thôn Cõi và Hưng Sơn sáp nhập lấy tên là thôn Cõi Hưng Sơn. Sau khi thành lập thôn Cõi Hưng Sơn, xã An Sơn có 04 thôn: Cõi Hưng Sơn, An Giới, Nhuế Sơn, Quan Sơn.
Xã An Sơn nằm ở phía Tây Bắc của huyện Nam Sách, có diện tích tự nhiên 538,3 ha; 2061 hộ gia đình, 6.859 nhân khẩu, riêng thôn Cõi Hưng Sơn có diện tích tự nhiên là 180,1 ha, 793 hộ gia đình, 2.423 nhân khẩu, (tính đến tháng 9 năm 2020). An Sơn là một trong những xã có truyền thống hiếu học ở huyện Nam Sách. Thời phong kiến, An Sơn có nhiều vị đỗ đại khoa như ở thôn An Giới có Nguyễn Đức Trinh đỗ Bảng Nhãn nằm Quang Thuận 4 (1463). Lê Lý Thái đỗ Đệ Tam giáp năm Sùng Khang 9 (1574); thôn Cõi Hưng Sơn có Nguyễn Đình Huống đỗ Đệ Nhị giáp (Hoàng giáp) năm Hồng Đức 15 (1484) và Hoàng Kiểu Vĩnh đỗ Đệ Tam giáp khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức 27 (1496); thôn Quan Sơn có Trần Năng đỗ Đệ Nhị giáp (Hoàng giáp) năm Hồng Đức 24 (1493), Trần Bảo đỗ Đệ Tam giáp năm Quảng Hòa 1 (1541) và Trần Xuân Băng đỗ Đệ Nhị giáp (Hoàng giáp) năm Vĩnh Thọ 4 (1661). Toàn xã có 25 dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời. Các dòng họ lớn như: Vương Đình, Nguyễn Bá, Lê Quang, Nguyễn Văn, Đặng Đình, Nguyễn Viết, Trần Xuân, Vũ Văn... Nhân dân trong xã chủ yếu theo đạo Phật, chỉ có 6 hộ theo Thiên Chúa giáo. Người dân An Sơn nghĩa tình, thuần hậu, chất phác, lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề sống chính. Hiện nay, do kinh tế hàng hóa phát triển, ở địa phương có một số hộ làm nghề kinh doanh, buôn bán. Chính quyền và nhân dân xã An Sơn đang vươn lên phát triển, triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Xưa kia trên mảnh đất An Sơn có rất nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Mỗi làng đều có một ngôi đình, ngôi chùa và địa điểm tâm linh khác. Riêng làng Cõi cũng có cho mình ngôi đình ngôi chùa để làm nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo tín ngưỡng cho người dân nơi đây. Đình - chùa Cõi tọa lạc ở phía đông bắc của thôn, theo tương truyền, đình Cõi được khởi dựng từ thời hậu Lê (cuối thế kỷ XV), trùng tu vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Xưa kia đình có kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung chất liệu bằng gỗ tứ thiết. Năm 1952, đình bị thực dân Pháp đốt phá hoàn toàn. Năm 2018, đình được xây dựng lại như hiện nay. Hiện tại, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung chất liệu bằng bê tông cốt thép theo kiểu đao tàu déo góc, mái lợp ngói mũi truyền thống, vì kéo kiểu kẻ truyền chồng chóp, trang trí họa tiết hoa văn giản đơn.
Theo tương truyền, chùa Cõi Hưng Sơn được khởi dựng từ thời hậu Lê (cuối thế kỷ XV). Trải qua thời gian dài chùa bị hư hại. Vào năm 1919, nhân dân trùng tu lại ngôi chùa trên nền đất cũ theo kiểu chữ Đinh (J), mặt tiền quay hướng Tây Nam gồm 5 gian tiền đường và 2 gian thượng điện, hai bên có 2 dãy nhà tổ mỗi bên 5 gian, trong khuôn viên chùa có tam quan, hai giải vũ và nghè (thờ tiến sĩ Đinh Công Quyền, nay không còn). Năm 1949, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, địa phương cho hạ giải 5 gian tiền đường. Năm 1952 thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn ngôi chùa. Năm 1992, địa phương cho xây dựng 3 gian nhà cấp 4 gần cạnh đình để làm nơi thờ tự. Năm 2014, chùa được xây mới như hiện nay. Hiện tại, chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 2 gian thượng điện, chất liệu bằng bê tổng cốt thép giả gỗ theo kiểu đao tàu déo góc, mái lợp ngói mũi truyền thống.
Căn cứ vào các nguồn tư liệu khảo cứu và văn bia hiện còn được lưu giữ tại đình Cõi; Căn cứ vào câu đối, đại tự, sắc phong và kết quả khảo sát, điền dã cho thấy: đình Cõi thờ Thành hoàng là Đinh Lưu (Đinh Công Quyền?) (1479-?), đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (thảm hoa), khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức 27 (1496), làm quan đến chức Đông các đại học sĩ. Theo Bản dịch thác bản Văn bia số 9 đề danh tiến sĩ dựng ngày 6 tháng 12 niên hiệu Hồng Đức 27 (1496) tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho biết Hoàng Kiểu Vinh, người xã Dục Đại, huyện Thanh Lâm (nay là xã An Sơn, huyện Nam Sách) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và Đinh Lưu, người xã An Dật, huyện Thanh Lâm, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (thám hoa) cùng khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức 27 (1496) thời Lê Sơ.
Cuốn "Thần tích - Thần sắc xã Quan Sơn, tổng An Dật, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương" năm 1938, lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Hà Nội viết: Thân phụ ông là Phạm Công Thường, quê ở Thanh Hóa là thấy thuốc nam chữa bệnh di cư đến Dục Đại trang (tức Dục Kỳ, Dục Trị) kết thân với bà Đinh Thị Nguyên sinh ra ngài đặt tên húy là Đinh Công Quyền. Đến năm 12 tuổi, ông Đinh Công Quyền (Đỉnh Lưu?) đỗ đầu tiến sĩ khôi nguyên khoa Đinh Thìn, được vua phong chức Lễ bộ Thượng thư, làm quan đến chức Tham tụng Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ. Ngoài thờ tiến sĩ Đĩnh Lưu (Đinh Công Quyền?), đình Cõi còn phối thờ thân mẫu của ngài là Đinh Thị Nguyên, các vị đỗ khoa bảng thời Lê Sơ và một số nho sinh khác như: Nguyễn Đình Huống đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484). Làm quan tới chức Tả thị lang Bộ Lại, từng được cử đi sứ sang nhà Minh; Hoàng Kiểu Vinh, 43 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức 27 (1496). Làm quan tới chức Đô đình ủy. Từng được cử đi sang nhà Minh, khi về được thăng đến Thượng thư. Hoàng Kiểu Cường (1554-?), là cháu Tiến sĩ hoàng Kiều Vinh. 60 tuổi đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quy Sửu, niên hiệu Hoàng Định 14 (1613). Làm quan đến chức Hiến sát sử. Nguyễn Tướng Công, húy Công Phái, tự Đạo Nguyên, biện nãi Hải Nam - Tả thị lang bộ Công, nghỉ hưu được tặng Thượng thư Lâm Quế, Lễ Bộ Thượng thư, tước Quế Lâm quận công. Khóa sinh Nguyễn Công được tôn bầu hầu thần là Khóa sinh trường thi người ở Mạc Xá xã, họ Nguyễn tên tự Như Cương tên hiệu Quả Nghị.
Chùa Cõi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, đây là thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Phái Đại thừa (Mahayana) nghĩa là “con đường cứu vớt lớn", “cỗ xe lớn"... Phái này cho rằng không chỉ những người xuất gia tu hành mà cả những phật tử cũng được cứu vớt. Phái Đại thừa không chỉ thừa nhận Thích Ca là Phật mà còn thừa nhận nhiều Phật khác như Phật Adiđà, Phật Di Lặc,.. Ai cũng có thể trở thành Phật và thực tế đã có nhiều người thành Phật như Văn Thù Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát…
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, hàng năm, tại di tích có các các ngày lễ tiết sau: Ngày mùng 4 tháng chạp (âm lịch) là ngày giỗ Thành hoàng Đinh Công Quyền; Ngày mùng 9 tháng 2 (âm lịch) lễ Kỳ phúc; Ngày 15 tháng 2 (âm lịch) lễ hội tế lễ Thành hoàng. Ngày 10 tháng 10 (âm lịch) lễ thường tân; Ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) hàng tháng ngày sóc vọng. Trong các các ngày lễ trên, ngày tế lễ Thành hoàng 15 tháng 2 (âm lịch) là lễ hội chính trong năm. Hằng năm, chùa Cõi thường diễn ra các sự lệ theo tuần tiết của nhà Phật như Ngày 15 tháng giêng (âm lịch) lễ Thượng nguyên; Ngày 3 tháng 3 (âm lịch) lễ giỗ Mẫu; Ngày 8/4 (âm lịch) lễ Phật đản; Ngày 15 tháng 5 (âm lịch): lễ đảo vũ (cầu mưa); Ngày 15 tháng 7 (âm lịch) lễ Vu lan báo hiếu hay còn gọi là ngày "Xá tội vong nhân". Ngoài ra, các ngày tuần rằm hàng tháng địa phương mở cửa chùa cho nhân dân và khách thập phương vào lễ Phật.
Ngày nay, lễ hội đình Cõi cũng được tổ chức trong 2 ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch, trong đó ngày 15 là hội chính, nhưng gọn và đơn giản hơn lễ hội xưa, thời gian tổ chức lễ hội được rút ngắn, 2 năm mới tổ chức rước kiệu Thành hoàng 1 lần. Năm 2018, dân làng tạc tượng Thành hoàng làng Đinh Công Quyền đặt trong khám thờ cùng với ngai và bài vị thờ tại gian chính giữa tòa hậu cung nên ngoài ngai và bài vị, trong lễ hội còn rước cả tượng Thành hoàng. Lễ hội do UBND xã đứng ra tổ chức. Ngoài phần lễ, tại di tích còn diễn ra phần hội như: giao lưu văn hoá văn nghệ, chọi gà, đua thuyền, bắt lợn... chùa Cõi về cơ bản vẫn duy trì các sự lệ theo tuần tiết của nhà Phật như trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy nhiên lễ đảo vũ (cầu mưa) vào ngày 15 tháng 5 (âm lịch) không còn tồn tại.
Hiện nay di tích còn lưu giữ một số cổ vật có niên đại thời Nguyễn gồm: 01 bát hương gốm, 01 tòa cửu long bằng đồng, 03 bia đá thời Hậu Lê và một số di vật hiện vật mới do nhân dân mua sắm và công đức. Căn cứ vào Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009; Căn cứ vào Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Căn cứ vào giá trị của di tích, căn cứ vào nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, ngày 12 tháng 01 năm 2022 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 109/ QĐ-UBND xếp hạng di tích đình chùa Cõi, xã An Sơn, huyện Nam Sách là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là thành quả vô cùng to lớn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc. Cùng với đó, ngày 15 tháng 3 năm 2022, Đảng bộ chính quyền và nhân dân nơi đây long trọng tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và lễ hội truyền thống mùa xuân năm 2022 để tưởng nhớ những người có công với dân với nước, với những giá trị lịch sử văn hoá đó di tích xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân địa phương cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn Bảo tàng tỉnh Hải Dương.